Quả thật, hồ sơ tìm việc luôn là một loại “vũ khí” tối quan trọng khi người ta muốn tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp Thậm chí một số nhà tuyển dụng (NTD) chỉ cần xem một hồ sơ tìm việc trong 30 giây là đã có thể nhận ứng viên đó vào vòng phỏng vấn ngay!
Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay khá nhiều ứng viên lại gặp khó khăn trong việc viết hồ sơ. Điều trớ trêu ở đây là dù có khá nhiều thông tin đặc sắc về bản thân để giới thiệu với NTD nhưng họ lại không biết thể hiện chúng như thế nào! Vấn đề này thật ra không khó giải quyết. Chỉ cần nghiên cứu kỹ cách viết hồ sơ chuẩn mà tôi hướng dẫn và chịu khó rèn luyện thì việc viết hồ sơ sẽ không còn là trở ngại với các bạn nữa.
Để giúp các bạn dễ hiểu, chúng tôi sẽ hướng dẫn theo từng mục một:
Đầu tiên là mục Thông tin cá nhân.
Mục này dễ viết nhất. Tuy nhiên, bạn lưu ý là phải ghi rõ số điện thoại và địa chỉ e-mail bạn thường dùng nhất. Nếu NTD không biết làm cách nào để liên lạc với bạn thì dù hồ sơ của bạn ấn tượng đến mấy cũng vô ích!
Thứ hai là Mục tiêu nghề nghiệp.
Tôi thường thấy các bạn viết “Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên kinh doanh trong ngành CNTT”. Viết như vậy thì rất khó thu hút được sự chú ý của NTD. Thay vào đó, bạn nên viết như sau:
Với khả năng giao tiếp & thuyết phục khách hàng chuyên nghiệp cùng với những kiến thức & sự am hiểu sâu rộng trong ngành CNTT, tôi mong muốn trở thành một nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực này.
Thứ ba là Học vấn.
Bạn lưu ý là chỉ nên chọn những bằng cấp mới nhất và phù hợp nhất với vị trí mình ứng tuyển để giới thiệu trong hồ sơ. Không NTD nào muốn phí thời gian để đọc những thông tin “thừa”, dù chúng có ấn tượng đến đâu.
Kế tiếp là mục quan trọng vào bậc nhất: Kinh nghiệm làm việc.
Trong mục này, bạn không nên viết đơn giản là: “Tôi từng làm Nhân viên kinh doanh dự án trong hơn 3 năm tại công ty ABC”
Nếu viết như vậy, hồ sơ của bạn sẽ “chìm nghỉm” trong núi hồ sơ mà NTD nhận được vì họ không nắm được bạn đã làm gì và đạt được thành tích gì trong công việc cũ. Cách tối ưu ở đây là bạn nêu rõ những công việc mình từng đảm nhiệm ở vị trí nhân viên kinh doanh dự án ở công ty cũ và đặc biệt nhấn mạnh vào những thành tích đã đạt được:
Tháng 10/2006 – Tháng 12/2008: Công ty ABC
Nhân viên kinh doanh dự án
ABC là một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hàng điện tử - điện lạnh.
Nhiệm vụ:
- Tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp
- Giới thiệu sản phẩm, tư vấn và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm
- Làm hồ sơ thầu, bảng báo giá và hợp đồng
- Chăm sóc khách hàng hiện tại
- Tìm hiểu và cập nhật các thông tin về thị trường & các đối thủ cạnh tranh
- Lập báo cáo định kỳ
- Hỗ trợ việc triển khai các kế hoạch marketing, xây dựng thương hiệu cho công ty
Thành tích:
- Đạt và vượt chỉ tiêu doanh số trong liên tục 10 tháng đầu năm 2008
- Đoạt giải Best Sales (Nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất) trong 6 tháng liên tiếp của năm 2008
- Mở rộng mối quan hệ với hơn 1000 khách hàng
- Thắng giải Singapore Contest tháng 3/2008. Đây là giải thưởng hàng tháng dành cho nhân viên kinh doanh đạt 200% chỉ tiêu doanh số.
Cuối cùng, chúng ta đến mục cũng rất quan trọng là Điểm mạnh.
Thay vì viết chung chung“Trình độ tin học văn phòng và tiếng Anh của tôi khá tốt”, bạn nên mô tả cụ thể những kỹ năng mình đã tích lũy được:
- Sử dụng thành thạo Microsoft Word, Excel, Power Point
- Giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát
- Kỹ năng đàm phán, thương lượng và thuyết phục khách hàng tốt
- Kỹ năng chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp
- Kỹ năng làm việc nhóm khá tốt
- Đam mê tìm hiểu, khám phá sản phẩm CNTT công nghệ cao
Bạn thấy không nào? Việc viết một hồ sơ tìm việc ấn tượng không khó như bạn nghĩ. Chỉ cần chịu khó tìm kiếm, chắt lọc những chi tiết đáng chú ý nhất về bản thân và quá trình làm việc cũng như trau chuốt câu chữ một chút, bạn sẽ có trong tay một hồ sơ 100 điểm. Đừng vì sự bế tắc trong cách diễn đạt ý tưởng lúc đầu mà bỏ lỡ những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Chúc các bạn nhanh chóng tìm được công việc mơ ước!.
Phần 1: Tạo sự khác biệt với những thành tích
Trong Hồ sơ xin việc của bạn, Kinh nghiệm làm việc sẽ là phần bạn phải trình bày nhiều nội dung nhất. Do vậy, đây cũng là nơi bạn có nhiều “đất” nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng (NTD) bằng phong cách viết của bạn, những từ ngữ bạn dùng và cách bạn tiếp thị bản thân mình. Loạt bài “Để có một Hồ sơ ấn tượng” kỳ này sẽ mang đến cho bạn những lời khuyên hữu ích giúp bạn thể hiện tối đa những điểm mạnh của mình.
Thường thì trong phần Kinh nghiệm làm việc, bạn nên liệt kê những công việc gần đây nhất trước, sau đó đến các công việc ở quá khứ xa hơn. Với mỗi công việc, bạn nên liệt kê những thông tin sau: thời gian được tuyển dụng, chức vụ, tên của NTD, trách nhiệm và các thành tích bạn đạt được.
Tuy nhiên, chỉ mô tả về công việc thì chưa đủ. Nếu có nhiều người ứng tuyển có kinh nghiệm giống nhau thì NTD sẽ thấy phát ngán và thậm chí chẳng buồn đọc Hồ sơ của bạn. Điều khiến cho bạn trở nên khác biệt, đồng thời gia tăng cơ hội trúng tuyển chính là các thành tích, hãy chuyển các trách nhiệm thành các thành quả cụ thể.
Ví dụ: Bạn thường viết hồ sơ điển hình như sau:
…Tổng giám đốc phụ trách sản xuất và marketing
- Chịu trách nhiệm chung về sản phẩm, sản xuất và khuyến mãi của hệ thống các cửa hàng trên cả nước
- Chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp của sản phẩm
- Quản lý tài chính đối với ngân sách bán hàng
- Quản lý đội ngũ thu mua và sản xuất gồm 30 người
- Quản lý và chịu trách nhiệm về các nhu cầu quảng cáo và tiếp thị của các cửa hàng
- Liên hệ với cơ quan chức năng của Nhà nước
Những thông tin mô tả trên có thể được làm nổi bật hơn bằng cách bạn trực tiếp đưa ra thành tích của từng trách nhiệm. Bạn cũng đừng quên, mục đích của Hồ sơ là giúp trả lời chứ không phải khiến các nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi ‘bạn đã làm được gì ở vị trí đó’. Vậy hãy bổ sung thêm phần thành tích đạt được cho những mô tả trách nhiệm phía trên như ví dụ sau:
Thành tích chính đạt được
- Tái cơ cầu lại bộ phận thu mua, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng giúp năng suất được nâng cao 20% và giảm chi phí 10%
- Thay đổi dây chuyền cung cấp, lợi nhuận cận biên tăng 4%
- Tham gia xây dựng các cửa hàng mới và tân trang lại cửa hàng cũ
Bạn cũng có thể dựa vào những tiêu chí sau đây để ghi ra thành tích của bản thân:
- Kết quả những công việc bạn hoàn thành
- Những thành quả của dự án mà bạn đã góp phần vào đó
- Những thông tin có thể đo đếm được (lợi nhuận, kim ngạch, lượng tiền tiết kiệm, năng suất)
- Một sự kiện nào đó bạn có thể chứng minh nó đã xảy ra hoặc có thể xác nhận được
- Những sự thay đổi được tạo ra
Và tham khảo thêm những ví dụ sau về thành tích:
- Giành được giải thưởng “Nhân viên xuất sắc của năm 2007” trong phục vụ khách hàng
- Tăng doanh số nhóm trong năm 2006 lên 15%
- Là thành viên trong Ban tổ chức Hội nghị các nhà cung cấp – Hội nghị đã rất thành công tháng 6/2005
Chỉ với vài dòng đơn giản, bạn đã tiếp cận gần hơn nữa tới nhà tuyển dụng. Và giờ đây, bạn đã có thể trau chuốt lại hồ sơ của mình bằng cách nhấn mạnh các thành tích bạn đã đạt được. Tuy nhiên, một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng trong hồ sơ xin việc đó chính là việc sử dụng ngôn từ. Hãy đọc phần tiếp theo “Sức mạnh của ngôn từ” để có thể tận dụng hết sức mạnh của ngôn từ trong hồ sơ của bạn!.
Phần 2: Sức mạnh của ngôn từ
Phần này chúng ta sẽ cùng khám phá sức mạnh của ngôn từ trong một hồ sơ xin việc. Những từ ngữ bạn lựa chọn và trình bày trong hồ sơ sẽ tạo một ấn tượng rất lớn đối với nhà tuyển dụng (NTD). Hầu hết các NTD sẽ đánh giá trực tiếp về cách giao tiếp của bạn qua bộ hồ sơ này, vì thế việc chọn đúng từ ngữ diễn đạt là vô cùng quan trọng.
Những từ ngữ tiếp thị tốt bản thân
Khi mô tả về những gì mình đã thực hiện, bạn hãy sử dụng những từ ngữ tiếp thị tốt về bản thân mình, hãy chọn và viết những từ ngữ mang tính tích cực vì những từ đó thể hiện thái độ của bạn trong công việc, ví dụ như hoàn thành, thúc đẩy, sáng tạo, phát triển, khuyếch trương, chỉ đạo, chuyển đổi… hoặc những từ có sức tác động lớn hơn như quyết đoán, kiên định, linh hoạt, có trách nhiệm, sáng tạo…. Đồng thời, bạn cần tránh các từ tạo ra cảm giác tiêu cực như không thành công, chưa hoàn tất, mâu thuẫn, chậm tiến trình, dựa vào, ngưng tạm thời…
Những từ ngữ thể hiện năng lực
Hãy trình bày thật ngắn gọn và súc tích về kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng của bạn bằng những cụm từ thể hiện năng lực. Bạn nên sử dụng những cụm từ liên quan đến kỹ năng cần có của công việc bạn đang chuẩn bị ứng tuyển. Chúng sẽ giúp bạn thể hiện trước NTD rằng bạn đã nhận biết được những yếu tố cần thiết của công việc này sau một quá trình nghiên cứu kỹ về thông tin đăng tuyển. Một số ví dụ về những cụm từ nên dùng như có chí cầu tiến, kiến thức sâu rộng về ngành hàng tiêu dùng nhanh, các kỹ năng tổ chức tốt, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, hoạt bát, có tinh thần trách nhiệm cao. Việc sử dụng những cụm từ như trên sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận rõ “sự phù hợp” giữa bạn và vị trí họ cần tuyển. Điều này đôi khi có tác dụng lớn hơn cả việc liệt kê những kinh nghiệm làm việc của bạn trong quá khứ.
Những từ ngữ chuyên ngành
Mỗi công việc đều có những ngôn ngữ chuyên ngành. Và thường thì rất khó để biết khi nào và ở phần nào nên dùng những từ ngữ đó. Vì vậy, để an toàn nhất bạn nên sử dụng từ hoặc cụm từ đã có trong phần thông báo tuyển dụng hay mô tả công việc của NTD. Nếu NTD dùng những từ hoặc cụm từ đơn giản để diễn tả một khía cạnh kỹ thuật của công việc, thì bạn cũng nên sử dụng lại những cụm từ này. Ví dụ, nếu thông báo tuyển dụng viết “yêu cầu có kiến thức về thống kê cao cấp” thì bạn có thể viết “Tôi có kiến thức về thống kê cao cấp, bao gồm khả năng sử dụng các phép đa hồi quy, phân tích số lượng và các kỹ năng về mô hình cân bằng theo mẫu”. Phần đầu, bạn sử dụng cùng những từ ngữ như mẫu đăng tuyển và đến phần thứ hai bạn liệt kê chi tiết hơn. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý đừng chỉ dùng một phần thứ hai vì có nhiều khả năng người đọc hồ sơ của bạn ở những vòng đầu sẽ không đủ kiến thức chuyên ngành để hiểu “khả năng sử dụng các phép đa hồi quy, phân tích số lượng và các kỹ năng về mô hình cân bằng theo mẫu” là các “kỹ năng thống kê cao cấp” và hồ sơ của bạn sẽ có nguy cơ bị loại.
Giờ đây, sau khi thực hiện các bước trên, hồ sơ của bạn đã trở nên rất thuyết phục cả về nội dung và ngôn từ. Nhưng bạn vẫn tự hỏi hồ sơ của mình đã có thể gởi đến NTD được hay chưa? Còn một công cụ nào khác để hoàn thiện hồ sơ này hơn nữa và biến hồ sơ thành một công cụ tiếp thị đắc lực cho bản thân hay không? Câu trả lời của chúng tôi là “có”. Và chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn về chủ đề này trong phần tiếp theo “Công cụ tiếp thị bản thân”.
Phần 3: Công cụ tiếp thị bản thân
Tiếp nối loạt bài “Để có một hồ sơ ấn tượng”, phần này chúng ta sẽ đi đến những điểm nhấn cần lưu ý để có thể biến Hồ sơ của bạn trở thành một công cụ tiếp thị bản thân hiệu quả. Với hàng trăm hồ sơ nhận được từ phía ứng viên, Nhà tuyển dụng (NTD) sẽ không có nhiều thời gian để đọc kỹ từng hồ sơ một và họ sẽ ‘lướt’ qua hồ sơ của bạn. Nhiệm vụ của bạn là phải tạo những điểm nhấn trong hồ sơ, tối đa hóa những cơ hội dù là nhỏ nhất để tự quảng bá “thương hiệu” của bản thân mình.
Thể hiện mục tiêu trong sự nghiệp
Một xu hướng gần đây của Hồ sơ là thêm các mục tiêu sự nghiệp vào ngay phần đầu của Hồ sơ. Đây là phần súc tích mô tả điều bạn muốn có từ công việc tương lai. Câu nói này cho phép NTD có thể nhanh chóng thấy được sự phù hợp của bạn với công việc đồng thời giúp bạn thể hiện được có ý chí phấn đấu trong sự nghiệp của mình.
Mặt khác, những câu nói này đặc biệt hữu ích cho những ứng viên trẻ có dưới 5 năm kinh nghiệm hoặc các bạn sinh viên mới ra trường. Chúng cũng rất hữu ích đối với những ứng viên muốn chuyển hướng và thay đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, một Hồ sơ có các thông tin về mục tiêu sự nghiệp sẽ giúp tác động tốt hơn đối với NTD; NTD sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng ứng viên này chính là đối tượng mà họ đang tìm kiếm.
Một câu nói thể hiện mục tiêu sự nghiệp tốt có thể là:
Giám đốc kinh doanh ở một tổ chức đang phát triển, nơi tôi có thể sử dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ với những khách hàng thuộc đa dạng các lĩnh vực khác nhau.
Đây là một câu nói trên mang tính tích cực, chủ động vì nó không tỏ ra quá lệ thuộc kiểu như câu nói sau ‘làm việc cho tổ chức của ông/bà’ , đồng thời câu nói này cũng không quá giới hạn về sự lựa chọn của bạn.
Ngoài ra, một câu nói thể hiện mục tiêu sự nghiệp sẽ trở nên tồi tệ nếu nó được bắt đầu với “Tất cả những gì tôi muốn là…” vì điều này sẽ tạo ấn tượng không tốt về tính cầu tiến vô cùng hạn chế và cái nhìn hạn hẹp của bạn.
Tính cách và phẩm chất
Một vài nét về tính cách và phẩm chất của bạn được nêu ra sẽ thuyết phục hơn nữa các NTD về sự phù hợp của bạn đối với công việc. Chắc chắn là NTD sẽ không thể tin 100% vào những lời hay ý đẹp bạn đang viết về bản thân và phải kiểm chứng thêm trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên theo những thống kê của chúng tôi, NTD sẽ giành ưu ái nhiều hơn cho những Hồ sơ nêu bật được những cá tính phù hợp với công việc. Ví dụ: tính cẩn thận, tỉ mỉ cho vị trí kế toán viên; khả năng sáng tạo cho vị trí thiết kế, tầm nhìn chiến lược cho vị trí trưởng phòng…
Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ đúc kết được ít nhiều những thông tin hữu ích cho bản thân và tạo được bản Hồ sơ ấn tượng giúp ‘tiếp thị’ tối đa bản thân đến các NTD.
Phần 4: NTD đánh giá cao ứng viên trên tiêu chí nào?
“Kỹ năng mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của nhân viên. Và trong số các kỹ năng mềm, tôi đánh giá cao nhất kỹ năng giao tiếp (communications skills) của ứng viên. Dựa vào đó tôi sẽ quyết định ứng viên có phù hợp hay không.” Vì sao kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng như vậy?
Kỹ năng giao tiếp là khả năng ứng viên thể hiện ý tưởng mạch lạc và dễ hiểu. Điều này đóng vai trò rất quan trọng vì nếu ứng viên không thể trình bày rõ ràng, dễ hiểu và trôi chảy ý tưởng của mình, làm sao họ có thể diễn tả để đồng nghiệp có thể hiểu và cùng thực hiện công việc chung?
K ỹ năng giao tiếp được đánh giá qua cách ứng viên trình bày với người phỏng vấn về quá trình làm việc và thành tích của mình. Có 2 lỗi lớn mà ứng viên thường mắc phải:
Không nêu được bức tranh tổng thể về quá trình làm việc
Đây là lỗi rất thường gặp ở những ứng viên chỉ lo trình bày về một kinh nghiệm hay thành tích nào đó mà họ “tâm đắt” nhất, khiến cho NTD không nắm được bức tranh tổng thể về quá trình làm việc của họ. Điều này sẽ càng bất lợi nếu người phỏng vấn không đặt thêm câu hỏi nào để khơi gợi ứng viên nói rõ hơn về thành tích và kinh nghiệm của họ.
Lời khuyên dành cho bạn: hãy nêu lên bức tranh tổng thể về quá trình làm việc của bạn trước khi đi vào mô tả chi tiết từng kinh nghiệm hoặc thành tích của mình.
Trình bày dài dòng và lan man, hoặc trình bày không đầu không đuôi
Cách trình bày dài dòng lê thê sẽ khiến cho người phỏng vấn bị “lạc lối” và không hiểu ứng viên muốn nói gì. Tệ hơn, nếu ứng viên trình bày không đầu không đuôi, đó là dấu hiệu cho thấy ứng viên không có óc tổ chức và khả năng diễn đạt, điều mà bất kỳ NTD nào cũng e dè.
Lời khuyên dành cho bạn: Hãy đi thẳng vào vấn đề chính cần trình bày, nếu không NTD sẽ không còn kiên nhẫn để ngồi nghe bạn trình bày, hoặc bạn sẽ làm cho NTD hiểu sai nội dung bạn muốn trình bày. Nếu bạn mắc tật nói “vòng vo tam quốc” này, vẫn có phương thuốc chữa trị: trước khi đi phỏng vấn, hãy viết ra các ý chính cần trình bày theo kiểu gạch đầu dòng, trước khi bạn đi sâu mô tả chi tiết cho từng mục chính.
Ngoài ra, các ứng viên sau sẽ được NTD đánh giá cao vì họ thể hiện được bản lĩnh và sự quan tâm thực sự đến vị trí tuyển dụng:
Ứng viên tự tin, có chính kiến và lập trường vững chắc
NTD đánh giá rất thấp các ứng viên không có lập trường vững chắc, không có chính kiến và sẵn sàng bằng lòng vô điều kiện với mọi ý kiến của sếp. “Tôi thường đánh rớt các ứng viên ‘Yes-man’ này vì họ thường không có sáng kiến hay khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả,” chị Trang cho biết.
Lời khuyên cho bạn: Hãy thể hiện sự tự tin của bạn. Hãy lắng nghe NTD và không ngừng phân tích để đưa ra những nhận xét xác đáng nhất. Hãy nêu lên quan điểm của riêng bạn, quan điểm đó có thể khác với quan điểm của NTD. Bạn đừng sợ điều đó sẽ làm cho người phỏng vấn phật lòng.
Ứng viên hiểu rõ về công ty tuyển dụng
Các ứng viên đi phỏng vấn với hành trang kiến thức về công ty tuyển dụng sẽ được NTD đánh giá cao. Hiểu biết thấu đáo về công ty tuyển dụng là biểu hiện về sự nghiêm túc của ứng viên đối với công việc, cho thấy ứng viên thực sự muốn làm việc với công ty. Hiểu biết thấu đáo về công ty cũng là tiền đề để ứng viên có thể thích nghi với môi trường mới khi được tuyển dụng.
Lời khuyên dành cho bạn: hãy truy cập trang web của công ty để tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động của công ty, các sản phẩm và/hay dịch vụ chính của công ty trên thị trường, thị phẩn của công ty, nhà máy sản xuất (nếu có), các văn phòng chính của công ty… Bạn cũng có thể hỏi những người thân quen đang làm việc trong công ty để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức công ty, đặc biệt là văn hóa công ty, để biết mình có phù hợp với môi trường làm việc đó hay không. Ngoài ra, các tạp chí, bản tin, hồ sơ giới thiệu về công ty (brochure) cũng là nguồn thông tin quý báu để bạn tìm hiểu về công ty mà mình mong muốn được làm việc và gắn bó lâu dài.
Phần 5: NTD “kỵ” điều gì nhất ở ứng viên?
Khi đi phỏng vấn, bạn cần tránh tất cả những lỗi khiến cho NTD “mất cảm tình” với bạn nhé. Sau đây là những điều khiến NTD “kỵ” nhất khi phỏng vấn ứng viên:
· “Nhắc khéo” NTD về sự quen biết với một nhân viên cấp cao trong công ty
Đây là điều mà NTD “kỵ” nhất. Một số ứng viên đã cố tình gây ấn tượng bằng cách “nhắc khéo” người phỏng vấn về mối quan hệ thân thiết của mình với một nhân vật “đinh” nào đó trong công ty, như “Anh A trưởng phòng nhân sự là anh rể của tôi” với hy vọng người phỏng vấn sẽ “nể mặt” mình. Thế nhưng, cách tiếp cận này sẽ cực kỳ gây phản cảm đối với NTD. Thói dựa dẫm vào uy tín của người khác sẽ khiến cho ứng viên đó tỏ ra kém cỏi và thiếu bản lĩnh trước mắt NTD.
Liên tục hỏi về vấn đề lương bổng
Lương bổng là vấn đề quan trọng đối với ứng viên. Tuy nhiên, nếu ứng viên quá chú tâm về lương bổng và liên tục hỏi người phỏng vấn về đề tài này, ứng viên đó đã tự kéo tay người phỏng vấn đánh điểm thấp cho mình. Thực tế vẫn có nhiều ứng viên chỉ quan tâm đến lương bổng khi phỏng vấn, họ có thể hỏi điều này rất nhiều lần đến mức NTD nghĩ rằng họ đi làm chỉ vì tiền lương, và sẵn sàng nhảy việc ngay khi một công ty khác “chào mời” một mức lương cao hơn.
Quá “rộng rãi” trong việc ban tặng lời khen
Bạn hãy nhớ điều này, NTD rất kỵ những ứng viên quá “rộng rãi” trong việc ban tặng lời khen với họ. Nhiều ứng viên vì vô tình hay hữu ý đã đưa ra những lời nhận xét về NTD đại loại như “Áo của anh/chị đẹp ghê. Chắc là hàng hiệu và đắt lắm!” hay “Ồ, tôi rất ấn tượng với màu son môi/kẹp tóc/mắt kính… của anh/chị.” Thậm chí một giám đốc nhân sự đã ngượng “chín người” vì lời khen của một ứng viên “Ồ, trông anh thật là trẻ và đẹp trai!” Bạn hãy nhớ, NTD sẽ không đánh giá cao những ứng viên có những lời khen kiểu “lấy lòng” này đâu. Tốt nhất ứng viên đi thẳng vào đề tài phỏng vấn với NTD, đừng bao giờ đề cập đến những vấn đề “bên lề” đó.
Phục trang không chuyên nghiệp
Một số ứng viên mặc quần jeans và áo pull đi phỏng vấn, hay tệ hơn nữa là quần jeans rách loe toe. Dĩ nhiên, ứng viên có thể ăn mặc khá thoải mái (casual) khi đi phỏng vấn ở một số ngành nghề đặc biệt (như ngành Quảng cáo). Chị Trang cho biết “Trang phục của ứng viên không cần phải cầu kỳ sặc sỡ, điều tôi mong đợi ở ứng viên chính là phục trang chuyên nghiệp, sạch sẽ và phẳng phiu. Nam giới có thể mặc quần tây và áo sơ mi. Nữ giới có thể mặc áo kiểu và váy, hoặc quần tây. Phục trang chuyên nghiệp sẽ khiến cho ứng viên tự tin trong buổi phỏng vấn, tôn vinh sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của họ.”
Đến phỏng vấn trễ
Điều quan trọng mà mỗi ứng viên cần nhớ là đến dự phỏng vấn đúng giờ. Bạn đừng bao giờ để NTD phải đợi bạn. Đi phỏng vấn sớm trước 5-10 phút là một cách đơn giản giúp bạn không bị trễ phỏng vấn. Đi sớm một chút cũng sẽ giúp bạn không phải thở hào hển khi vào phòng phỏng vấn vì vừa thoát ra khỏi một vụ kẹt xe “kinh hoàng” ở ngoài phố. Còn nếu bạn lỡ đi phỏng vấn trễ, hãy lịch sự gọi điện ngay cho NTD và thông báo về sự trễ nãi này, thay vì để cho NTD phải chờ đợi bạn mỏi mòn.
Không nhìn vào mắt người phỏng vấn
Nhiều NTD đồng ý rằng nếu ứng viên không nhìn vào mắt người phỏng vấn, đó là biểu hiện của sự không tự tin của ứng viên. Nếu chỉ có một người phỏng vấn bạn, hãy tự tin nhìn vào mắt người phỏng vấn này. Nếu có nhiều hơn một người phỏng vấn, bạn hãy chia sẻ ánh nhìn đều nhau cho cả nhóm phỏng vấn, đừng chỉ tập trung ánh nhìn vào người phỏng vấn chính của nhóm.
Trong mọi trường hợp, hãy tránh những biểu hiện tiêu cực sau: nhìn đâu đó lên trần nhà khi người phỏng vấn trao đổi với bạn (chắc bạn đâu muốn dò tìm chú thạch sùng nào trên đó phải không), hoặc ánh mắt không thể hiện sự nhiệt huyết, trông vô hồn xa xăm còn giọng nói thì đều đều như muốn ru ngủ NTD. Đặc biệt, dù bạn cảm thấy tự tin và hứng chí đến mức nào, bạn đừng lắc lư người quá nhiều nhé, vì bạn sẽ làm cho NTD “chóng mặt” đó.
Ứng viên “quá xúc động”
Một số ứng viên trở nên quá xúc động khi đi phỏng vấn, họ thậm chí khóc lóc và kể lể với người phỏng vấn về những khó khăn cá nhân mà mình phải gánh vác. Có thể những ứng viên này chỉ muốn thổ lộ tâm sự của họ để vơi nhẹ những nổi khổ của mình. Tuy nhiên cách hành xử này sẽ khiến cho người phỏng vấn cảm thấy khó xử vì họ không có trách nhiệm với những khó khăn của ứng viên này.
Điều quan trọng bạn cần nhớ khi đi phỏng vấn: chứng minh được điều bạn có thể làm cho công ty, thay vì trông chờ vào sự trợ giúp của NTD.
Phần 6: NTD suy nghĩ như thế nào về người hay nhảy việc?
Bất lợi của ứng viên hay nhảy việc
Có hai dạng ứng viên nhảy việc: dạng “nhảy cóc” (tiếng Anh là “leap frog”) và ứng viên thay đổi công việc qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Ứng viên “nhảy cóc” là ứng viên đổi việc “xoành xoạch” trong một thời gian ngắn ở cùng lĩnh vực, còn ứng viên dạng thứ hai thích “thử sức” mình qua qua nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đối với dạng ứng viên “nhảy cóc”, NTD không đánh giá cao sự gắn bó và trung thành của ứng viên đối với công ty. Một ứng viên nhảy việc quá nhiều làm sao thuyết phục được với NTD rằng họ sẽ trung thành với công ty sau khi được tuyển dụng? Tuy nhiên, theo chị Trang, “Nếu ứng viên dạng “leap frog” nộp đơn ứng tuyển, chúng tôi vẫn dành cho họ cơ hội như các ứng viên khác. Điều chúng tôi quan tâm nhất vẫn là liệu ứng viên có đủ khả năng hoàn thành tốt.
Sưu tầm từ Internet
|